Loài sen gắn liền với văn hoá Ai Cập cổ đại và loài hoa sen trắng, sen hồng mà dân mình thích bơi thuyền ra đầm chụp ảnh có họ hàng rất xa. Sen Ai Cập là loại hoa bản xứ của Trung và Bắc Phi, và ngoài màu trắng ra còn có màu xanh nhức mắt. Những bông sen xanh này hé nở vào lúc mặt trời mọc và khép cánh lúc chiều tà, nhường sàn diễn cho loài sen trắng, và lặp lại chu kỳ đó vào sáng hôm sau. Một vòng đời của hoa sen kéo dài khoảng ba ngày.
Khoảng 5000 năm trước, hoa sen bắt đầu trở thành một phần không thể tách bỏ trong tín ngưỡng Ai Cập. Đẹp là một chuyện, cái chính là vòng đời bí hiểm của hoa sen khiến người ta liên tưởng tới dòng sông Nile hàng năm bồi đắp phù sa cho Ai Cập. Hoa sen xanh được vinh dự xuất hiện trên phù hiệu của Thượng Ai Cập (Upper Egypt,) trong khi cây cói (papyrus) là biểu tượng cho Hạ Ai Cập (Lower Egypt). Khi hai vương quốc sáp nhập vào khoảng 3000 năm trước Công nguyên, hai loài cây thiêng cũng được hợp nhất trong ngôi đền của vua Khafre.
Không chỉ gắn liền với sự phồn thực của sông Nile, hoa sen còn liên quan tới thần mặt trời Ra và Orisis – hai trong số các vị thần Ai Cập quyền năng nhất. Giống như Ra sinh ra từ bóng tối (Nu,) đem đến sự sống và lại “chết đi” tạm thời, hoặc như Orisis hồi sinh nhờ thần chú của Isis rồi quay về cai quản địa ngục, hoa sen xanh dần khoác thêm những lớp vỏ kỳ bí. Trong cuốn Sách của Người Chết (Book of the Dead) – tập hợp những câu thần chú mà khán giả Việt Nam đã ngó qua trong phim… Xác Ướp Ai Cập, hoa sen xanh xuất hiện liên tục, vừa là lễ vật cho các vị thần, vừa là hình ảnh trang trí.
Hoa sen xanh không chỉ hóa thân vào nghệ thuật mà còn có giá trị thực tiễn quan trọng trong đời sống hoàng gia. Những khu vườn thượng uyển của vua Thutmose III tràn ngập hoa sen. Trong những buổi dạ yến hoàng tộc, khách khứa được người hầu trang điểm bằng những vòng hoa kết bằng cánh sen lộng lẫy. Là một người rất yêu hoa sen, vua Tutankhamun nổi tiếng được chôn cùng một vòng hoa sen quanh cổ. Ông còn có những chiếc dép thêu hình hoa sen, những cây đèn cẩm thạch và đồ trang trí khác khảm hoa sen, tất cả đã được mang ra cho hậu thế chiêm ngưỡng khi ngôi mộ của ông được khám phá vào năm 1922.
Không khó để đoán được rằng, những tiếu tượng gắn bó với hoa sen ở phương Đông còn phong phú thế nào. Hoa sen “xịn” mà chúng ta rất đỗi quen thuộc có lẽ xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ, nơi những truyền thuyết về hoa sen khá giống với đất nước Ai Cập. Kinh Vệ-Đà (Veda,) suối nguồn của văn minh Ấn Độ từ 1400 năm trước Công nguyên đã nhắc tới hoa sen. Brahma – vị thần của sự sáng thế đã tạo nên một đóa hoa sen ngàn cánh bằng vàng từ đại dương để biến thành thế giới. Có người lại nói chính Brahma được sinh ra từ đóa hoa sen. Cùng Vishnu và Shiva, Brahma là một trong những vị thần chủ chốt của Ấn Độ.
Hoa sen Ấn Độ đạt đến đỉnh cao khi Phật giáo lên ngôi. Chu trình sống của hoa sen trở thành ẩn dụ cho kiếp luân hồi. Trong truyền thuyết về sự ra đời của Đức Phật, mẹ ngài đã nằm mơ thấy một đóa sen khổng lồ trồi từ dưới sáu triệu tám trăm ngàn yojana (đơn vị đo lường Ấn Độ cổ đại) lên đến tận Brahma. Những bước chân đầu tiên của ngài cũng làm nở trên mặt đất những đóa sen. Trong tiếu tượng Phật giáo, các đấng La Hán, Bồ Tát,… thường ngồi trên tòa sen hoặc cầm hoa sen. Phật giáo Tây Tạng còn bổ sung thêm ý nghĩa về màu sắc cho từng loại hoa sen: trắng là thuần khiết, xanh là trí tuệ, đỏ là tình cảm, còn hồng là loại hoa dành cho các vị thần tối cao nhất. Kinh Pháp Hoa, một trong những bộ kinh Đại Thừa được lưu truyền rộng rãi nhất có tên đầy đủ là Diệp Pháp Liên Hoa Kinh, hay Kinh Hoa sen (Lotus Sutra.)
Ở Trung Quốc, hoa sen có lịch sử phát triển kéo dài từ 7000 năm trước Công nguyên dọc hai bờ sông Trường Giang và Hoàng Hà. Hoa sen Trung Quốc xuất hiện dày đặc trong thơ ca, tranh vẽ, điêu khắc, gốm sứ, thêu thùa.
Nhưng hoa sen Trung Hoa không chỉ là cái đẹp mà còn là sự nhẫn tâm và đau đớn. Ba tấc sen vàng chính là để chỉ bàn chân bó nhỏ xíu dài chừng điếu thuốc lá của đàn bà Trung Hoa. Sen vàng (kim liên) đầu tiên là được dùng để miêu tả bước đi của Phan Phi – “đi mỗi bước nảy một đóa hoa sen vàng.” Đến đời Lý Hậu Chủ, vì yêu dấu mỹ nữ Diễu Nương mà vua hạ lệnh làm tòa sen vàng cao sáu thước cho nàng nhảy múa. Tục bó chân của đàn bà con gái bắt đầu từ đó. Những bé gái nhỏ tuổi, muộn thì lên 5, sớm thì lên 3 đã bị bó chân, dần dần bốn ngón (trừ ngón cái) đều rụng đi. Người phụ nữ trở thành một sinh vật tàn phế, song đấy lại được cho là đạo đức, là đẹp! Tiểu thư các nhà giàu có bó chân, dần dần con gái nhà thường dân cũng bó. Phụ nữ không bó chân không lấy được chồng, thậm chí khi mai mối chỉ cần xem chân, không xem mặt. Đến tận thời Trung Hoa Dân quốc vẫn còn nhiều người phụ nữ không chịu bỏ chân bó.
Để hiểu được nỗi ám ảnh vô cùng… khó hiểu của người Trung Quốc với đôi chân bó, cần nhớ rằng trong văn hóa Trung Quốc, bộ phận cấm kị và gợi tình nhất của người đàn bà không nằm ở gương mặt hay bộ ngực, mà chính là đôi chân. Sau khi một người con gái đã bó chân, người đàn ông duy nhất được chạm vào đôi chân của cô ta chỉ có thể là chồng. Đôi bàn chân khêu gợi của người đàn bà Trung Quốc đã xuất hiện trong những “dâm thư” như Kim Bình Mai, khi Phan Kim Liên bị Tây Môn Khánh nắm lấy chân trêu ghẹo. Hành động đó trong mắt người đọc hiện đại thì quá… hiền lành, song dưới lăng kính lịch sử, có thể coi Phan Kim Liên đã thất thân với Tây Môn Khánh ngay từ giây phút đấy.
Lại nói về cái tên Phan Kim Liên. Tại sao người Trung Quốc lại ví đôi chân người phụ nữ với “sen vàng” mà không phải loại hoa nào khác? Ắt không chỉ vì hình dáng. Chữ “liên” đồng âm với chữ “lân” nghĩa là đáng yêu, nên “kim liên” còn là tiếng lóng để chỉ cho bộ phận gợi cảm của phụ nữ. Trong hệ thống biểu tượng của Trung Quốc, con cá chép lại là ẩn dụ cho giới tính mạnh mẽ của đàn ông. Những bức tranh cá chép-hoa sen do đó chính là thể hiện ước muốn về sự kết hợp nam nữ, con đàn cháu đống.
Ở phương Tây vào thế kỉ 19, hoa sen mang một ý nghĩa hoàn toàn mới: sự lãng quên. Tennyson và Baudelaire dệt lên những bài thơ lãng mạn về việc ăn hạt sen để quên hết sự đời. Một ví dụ đẹp nhất cho biểu tượng này là bức tranh Hylas và các nàng tiên của họa sĩ Waterhouse.
No comments:
Post a Comment