Monday, April 10, 2017

“Giáo hoàng của thời trang nam" - người làm hài lòng từ Donald Trump đến Obama

Viết series này là cơ hội tốt để tôi tranh thủ đọc thêm vài cuốn sách hay ho, trong đó có My First Ladies của “Sa hoàng cắm hoa” Nancy ClarkeAll the Presidents’ Pastries của thợ làm bánh siêu đằng Roland MesnierIn the President’s Secret Service về cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ, và The Residence – một tác phẩm xoay quanh lịch sử Nhà Trắng.

Thế nhưng tác phẩm gây rung động lòng người nhất, theo tôi, chính là Measure of a Man của Martin Greenfield.


Martin Greenfield là người đảm nhiệm phần may mặc cho những nhân vật nổi tiếng và quyền lực nhất thế kỉ 20, trong đó có 5 vị Tổng thống Hoa Kỳ. Ông được tôn vinh là thợ may vĩ đại nhất hiện giờ, là “Giáo hoàng của thời trang nam”.
Nhưng ở cái tuổi 15 vẫn còn ngây ngô, ông đã trải nghiệm tận cùng đau đớn ở trại tập trung của phát xít Đức. Trong một gia đình Do Thái gồm ông bà, cha mẹ, cùng ba người chị em, chỉ có mình ông thoát khỏi địa ngục ấy. Cuộc đời ông chứa đựng nhiều nỗi thăng trầm khó tin, xứng đáng để dựng thành một bộ phim nghệ thuật.
Cuốn Measure of a Man của Martin Greenfield

Martin Greenfield sinh năm 1928 ở ngôi làng nhỏ xinh đẹp Pavlovo, Tiệp Khắc, chỉ cách biên giới Hungary có vài dặm. Tên cúng cơm của ông là Maximilian Grunfeld – mãi về sau ông mới đổi sang tên Mỹ cho dễ bề kinh doanh. Gia đình ông rất hạnh phúc, êm ấm, có đồng ruộng, vườn cây, thậm chí cả người hầu kẻ hạ. Ông nội ông, Abraham, đã xây dựng lên giáo đường Do Thái duy nhất của làng và được cả cộng đồng kính trọng. Cha ông là một kỹ sư công nghiệp thường đi công tác xa nhà nhưng rất thương yêu con cái.

Là người nhìn xa trông rộng, cha ông sớm muốn đưa con đi xa để tránh ảnh hưởng của Đức Quốc xã. Khi Maximilian vừa hết tuổi thiếu nhi, ông đã được cha gửi nhờ nhà người bác họ ở Budapest để học môn cơ khí. Vốn tính tình bướng bỉnh, cậu bé Maximilian không chịu ăn nhờ ở đậu nên đã trốn đi sống tại một… nhà thổ trong khi học việc. Ông giấu nhẹm cho đến khi bị tai nạn nghề nghiệp – đó cũng là lúc cha ông phát hiện ra sự việc và đưa ông về nhà. Số phận thích trêu ngươi: đúng ngày hôm sau cả gia đình ông bị đưa vào trại tập trung.
Gia đình của cậu Maximilian Grunfeld. 

Dù ngót 70 năm đã trôi qua, Maximilian vẫn nhớ mồn một những cảnh tượng xảy ra ngày hôm đó. Lực lượng Gestapo quật ngã ông nội Abraham xuống đất và tàn nhẫn xén trụi bộ râu sau khi ép cụ chối bỏ đức tin – bất chấp lời van nài của gia đình. Quân Đức lệnh cho họ mang theo những thứ đồ quý báu nhất, rồi tống tất cả lên xe chở súc vật. Sau này Maximilian mới biết bộ máy bóc lột của Hitler đã làm việc hiệu quả thế nào: tất cả đồ trang sức của họ sẽ mau chóng bị lấy đi, những chiếc răng bọc vàng sẽ bị nhổ không thương tiếc, thậm chí râu tóc tù binh cũng được cắt đi để chế tạo bom nổ chậm. Địa điểm mà gia đình ông được đưa đến chính là Auschwitz – nơi gần 1 triệu người Do Thái đã bỏ mạng dưới bàn tay diệt chủng của Đức Quốc xã.

Giáo hoàng Francis đến thăm Auschwitz vào tháng Bảy năm 2016. Ảnh chụp ngài đứng ngay dưới cổng chào khét tiếng – nơi đã đón nhận ít nhất 1.1 triệu tù nhân

Trong những cơn ác mộng của Maximilian, quỷ dữ vẫn hiện ra dưới hình hài đỏm dáng, chỉn chu: bốt đánh bóng loáng, quần là phẳng phiu, mái tóc mượt mà. Quỷ dữ đó, không ai khác, chính là Josef Mengele. Y còn được biết với cái tên Todesengel, hay Angel of Death (Thiên sứ của Tử thần). Những thí nghiệm y học tàn bạo của Mengele đủ khiến bất kỳ ai cũng phải rùng mình ghê sợ.Ngày định mệnh đó, số phận của gia đình ông nằm hoàn toàn dưới bàn tay của Mengele. Mới đầu, y ra lệnh chia rẽ bà mẹ của Maximilian và cậu em 5 tuổi của ông. Trước sự phản đối quyết liệt của người mẹ không nỡ bỏ con, y lệnh cho mẹ, chị, em, ông bà của Maximilian cùng đi về phía bên trái.

Đó cũng là phía của phòng hơi ngạt.

Một thông cáo truy nã Josef Mengele sau Thế chiến thứ Hai. Y đã trốn chui trốn nhủi được những… 35 năm trước khi chết đuối ngoài biển. Ông trời quả thật đã quá nhẹ tay với kẻ sát nhân hàng loạt này.

Bên cạnh Maximilian chỉ còn lại cha và chị ruột của ông, Simcha. Chị ông, cô gái xinh đẹp với mái tóc vàng óng mượt, cũng nhanh chóng bị đưa tới một địa điểm khác. Đó là nơi những cô gái Do Thái có nhan sắc bị quân Đức hành hạ, cưỡng hiếp trước khi giết chết. Chỉ còn lại ông và cha. Trong cơn kinh hoàng, Maximilian ra sức bám chặt lấy cha mình.

Nhưng cha ông lại có ý nghĩ khác. Ông điềm tĩnh giải thích cho Maximilian rằng nếu quân SS biết họ là cha con thì cả hai không thể cùng sống sót, bởi hễ ai phạm lỗi là họ sẽ trừng phạt cả hai! Thân thể con người không thể chịu gấp đôi sự dày vò đó. Trong giây phút ngàn cân treo sợi tóc, bất chấp những giọt nước mắt hoảng sợ của con trai, cha ông vẫn bình tĩnh ép ông hứa: “Một thân một mình, con phải tồn tại. Con còn trẻ và mạnh mẽ, cha biết con sẽ ổn. Con sẽ vinh danh gia đình mình bằng cách sống sót, chứ không phải nhỏ nước mắt tiếc thương. Đó là điều con bắt buộc phải làm.”

Lúc đó, quân Đức cất tiếng hỏi trong số những tù binh Do Thái, ai có kỹ năng gì giơ tay, bất kể là bác sĩ, thợ mộc, hay thợ nề. Cha ông nhanh trí kéo tay ông giơ lên và hét to: “Thằng bé này là một thợ cơ khí lành nghề.” Bằng cách đó, cha ông đã trao cho ông một con đường sống. Phải biết rằng dù dã man đến mấy, Đức Quốc xã cũng không muốn bỏ phí lao động, dù mục đích của chúng vẫn là bóc lột cho đến chết. Nhờ kinh nghiệm sửa cơ khí và đôi bàn tay khéo léo, Maximilian đã cầm cự được cho đến ngày được quân đội Hoa Kỳ giải phóng. Nhưng vào thời điểm đó, trái tim ông tan vỡ vì phải xa gia đình. Đó là lần cuối cùng ông được nhìn thấy gương mặt thân thương của ông bà, cha mẹ, và các chị em.

Martin Greenfield bùi ngùi cầm bức ảnh chụp gia đình khi ông còn nhỏ

Trong trại tập trung, cậu bé Maximilian làm đủ thứ công việc: giặt giũ, trát vữa, đóng gạch,.. Lần đầu tiên trong đời cậu sờ đến cây kim sợi chỉ không phải ở khu may mặc danh tiếng Savile Row hay thành phố thời trang Milano, mà chính trong hầm tối của Auschwitz. Trong lúc ủi đồ, cậu lỡ tay làm bung cổ áo của một sĩ quân SS và bị y dùng ba-toong đánh một trận thừa sống thiếu chết. Một tù nhân Do Thái già đã dạy cho cậu những kĩ năng thêu thùa đầu tiên. Sau khi sửa chiếc áo, cậu đã đánh liều … mặc nó luôn dưới lớp áo tù sọc. Maximilian để ý thấy mình được các bạn tù và cả những sĩ quan SS đối xử tốt hơn mỗi khi mặc nó. Đó là lần đầu tiên Maximilian ý thức được tầm quan trọng của y phục. Khi lớn lên hiểu đời, Maximilian mới biết chiếc áo SS đó khiến mọi người tưởng cậu là “trai cưng” của một sĩ quan cao cấp nào đó, có lẽ nó cũng là lý do khiến cậu thoát chết. Sau này, khi trại tập trung của cậu được quân Mỹ giải phóng, cậu lại chứng kiến cảnh những sĩ quan SS điên cuồng bắn chết các tù nhân Do Thái để … cướp áo quần. Trong giây phút hoảng loạn, bè lũ thua cuộc hèn nhát bèn tìm cách trà trộn vào hàng ngũ chính những người đã bị chúng hành hạ. Theo mô tả của Maximilian, những tù nhân Do Thái đáng thương đó “chạm được vào tự do nhưng không thể nắm giữ nó.”

Cánh tay vẫn còn hình xăm mờ mờ A4406 – số hiệu của Maximilian tại trại tập trung. Chữ A là viết tắt của Auschwitz.

Trại tập trung Auschwitz thật xứng đáng với tên gọi “Nấm mồ lớn nhất nơi trần thế.” Ở đây, Maximilian đã nếm trải đủ thứ đòn độc của quân SS. Có lúc chúng bắt cậu và một tù nhân Do Thái trẻ tuổi khác thay phiên tra tấn lẫn nhau để moi thông tin về cha họ. Có lúc cậu đang mải trát vữa cùng một bạn tù khác, quay sang đã thấy bạn mình nằm trong vũng máu – quân SS thích dùng tù nhân Do Thái làm bia tập bắn. Maximilian cho rằng những cuộc giết chóc tưởng chừng ngẫu nhiên chính là một hình thức tâm lý chiến cực kì hiệu quả. “Nếu chúng vui, chúng giết bạn. Nếu chúng buồn, chúng cũng giết bạn. Không có một thứ logic nào trong hành động của chúng. Điều này làm kiệt quệ tinh thần của những tù nhân. Con người cần có một niềm tin rằng làm tốt sẽ được tưởng thưởng hoặc ít ra là không bị trừng phạt. Quân SS đã phá tan niềm hy vọng đấy, và khiến chúng tôi dần dần vô cảm.” Cậu trở nên quen với cái chết, với mùi xác bị đốt trong phòng hơi ngạt, với việc mang xác đồng bào đi chôn.

Maximilian, tuy thế, vẫn không đánh mất lòng thương người và tinh thần quả cảm cố hữu. Death March – Chuyến diễu hành chết chóc trong tuyết từ Buna đến Gleiwitz suýt giết chết cậu, nhưng nó chỉ khiến Maximilian mạnh mẽ hơn. Khi túc trực trong bệnh viện, cậu thường xuyên tìm cách lén chia thêm thức ăn cho những người kiệt sức – một tù nhân khác nói rằng nhờ suất súp đúp của cậu mà ông ta thoát khỏi cái chết. Cậu nhiều lần thế chỗ cho những kẻ yếu hơn khi SS điểm danh, và còn ăn cắp bánh mì từ túi áo quân SS để chia cho các bạn.

Tranh minh hoạ một Death March của Đức Quốc xã: tù binh nào đi chậm hoặc ngã quỵ là bị xử tử ngay tức khắc.

Vì quá đói, Maximilian thậm chí còn mò vào nhà thị trưởng thành phố Weimar để ăn cắp mấy củ cà rốt của… thỏ và bị bà vợ thị trưởng đánh gần tan xác. Sau khi Buchenwald được giải phóng, Maximilian đã cầm súng trở lại trả thù nhưng lại chùn tay khi thấy bà ta ẵm đứa con mới sinh. (Về sau, vợ chồng thị trưởng thành phố Weimar đều cắt cổ tay tự sát vì không thể đối mặt với bằng chứng về tội ác diệt chủng). Hậu quả của chế độ ăn uống thiếu thốn và những vất vả khi dậy thì là khiến thân hình của Maximilian mãi mãi thấp nhỏ. Cũng ở trong trại tập trung Buchenwald, Maximilian đã gặp nhà văn được giải Nobel Hòa Bình tương lai Elie Wiesel, khi đó cũng là một cậu bé tuổi thiếu niên. (Cả Maximilian và Elie Wiesel đều trải qua thời gian ở Auschwitz và Buchenwald).

Elie Wiesel ở Buchenwald – trong sách Maximilian mô tả ông là “chàng trai gầy guộc nhất tôi từng được biết”. Tờ Los Angeles Times thì gọi Elie Wiesel (trưởng thành) là “người Do Thái quyền lực nhất Hoa Kỳ”.

Ngày 11 tháng 4 năm 1945, đối với Maximilian, chính là ngày cậu được “tái sinh.” Sau nhiều ngày tranh đấu, Buchenwald thất thủ. Tướng Eisenhower, người được Maximilian thân mật gọi với cái tên Ike, chỉ huy quân đội Mỹ tiến vào trại tập trung. Trong số 2100 tù nhân còn sống ngày hôm đó, có 850 đứa trẻ, bao gồm từ em bé 3 tuổi đến những thiếu niên như Maximilian Grunfield và Elie Wiesel. Trong trí nhớ của ông, Eisenhower là một người khổng lồ, một chiến tướng vĩ đại, một thiên thần. Số phận tình cờ khiến ông hân hạnh được bắt tay Eisenhower ngày hôm đó. Ai có thể tiên đoán rằng mấy chục năm sau, Eisenhower sẽ trở thành Tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ, còn Maximilian sẽ trở thành một thợ may thượng thặng, người tạo nên những bộ suit đẹp nhất cho Eisenhower.Cảnh tượng ở Buchenwald đã để lại ấn tượng khủng khiếp với Eisenhower. Trong lá thư viết gửi cho tướng Geore Marshall, ông đã viết: “Không gì có thể diễn tả những thứ tôi nhìn thấy…. Những bằng chứng và lời khai về sự tàn ác, thú vật khiến tôi cảm thấy buồn nôn. Trong một căn phòng, có vài ba chục xác người chết đói chất đống. Tướng Patton còn không chịu vào đó, ông ta sợ sẽ ói mửa. Tôi cố tình đến tận nơi để có thể chứng thực về những việc đã xảy ra, trong trường hợp ngộ nhỡ trong tương lai có kẻ muốn lèo lái theo hướng ‘cáo buộc này chỉ là tuyên truyền.’”

Tướng Eisenhower cùng các tướng Bradley, Patty, Eddy tại Ohrdruf – trại đầu tiên thuộc Buchenwald được giải phóng. Trước mặt họ là các xác tù nhân bị thiêu trên đường ray xe lửa.

Eisenhower cũng hạ lệnh cho tất cả các binh lính Hoa Kỳ cùng ông thăm mọi ngõ ngách của Buchenwald. “Người ta nói lính Mỹ không biết họ chiến đấu vì điều gì. Bây giờ ít ra lính Mỹ sẽ hiểu họ chiến đấu để chống lại điều gì.” Không những thế, Eisenhower còn quyết định đưa dân thường Đức vào Buchenwald để tận mắt chứng kiến tàn tích của cuộc thảm sát, và bắt họ tự tay đào mồ chôn những nạn nhân Do Thái. Nhiều người Đức đã tự sát vì nhục nhã, tội lỗi, hoặc sợ hãi, trong số đó có vợ chồng thị trưởng thành phố Gotha, và vợ chồng thị trưởng Weimar (ở trên.) Đối với Maximilian, mong mỏi duy nhất của ông là được tìm thấy cha mình khoẻ mạnh. Trái với hy vọng của ông, người cha yêu quý của ông đã bị SS quật chết chỉ một tuần trước khi Buchenwald được giải phóng. Ông còn đau đớn hơn biết hai cha con đã cùng nhau ở Buchenwald một thời gian dài mà không tìm thấy nhau.

Những người sống sót từ trại Buchenwald xếp hàng để y bác sỹ một bệnh viện Mỹ khám và điều trị, khi trại này được quân đội Mỹ giải phóng vào tháng Tư 1945

Ngày 20 tháng 4 năm 1945, rabbi (giáo sĩ Do Thái) Herschel Schacter đã tổ chức buổi lễ Sabbath đầu tiên ở Buchenwald. Sau buổi lễ, Maximilian đã tiến tới hỏi Schacter bằng tiếng Yiddish: “Thưa thầy giảng, con cần phải biết, Chúa lâu nay đã ở đâu?” Vị rabbi đáng kính chỉ có thể trả lời: “Có nhiều câu hỏi không có câu trả lời. Đây là một câu hỏi như vậy.” Nói xong rabbi Schacter quàng tay ôm chặt Maximilian trong khi chú bé khóc ròng. Không ngờ 40 năm sau, hai người bọn họ lại tái ngộ trong một hoàn cảnh đặc biệt: lễ khởi công bảo tàng U.S. Holocaust do chính Tổng thống Ronald Reagan động thổ. Vợ chồng Maximilian là khách mời danh dự của chính trị gia Robert Strauss – một khách hàng thân cận. Maximilian không thể tin vào mắt mình khi thấy một gương mặt quen thuộc cất tiếng nói. Giữa bầu không khí trang trọng, rabbi Schacter đứng lên kể về cậu bé Do Thái ông gặp khi cùng quân đội Mỹ giải phóng Buchenwald, cùng câu hỏi “Where was God?” ám ảnh ông suốt 40 năm. Kể từ sau lần gặp “đang vui nước mắt lại trào” ấy, hai người bọn họ thường xuyên gặp mặt cho đến khi rabbi Schacter qua đời năm 2013.

Rabbi Schacter trong buổi lễ Sabbath tại trại Buchenwald, 1945

Cuộc sống của Maximilian sau khi thoát khỏi Buchenwald đã tươi sáng hơn rất nhiều. Ông tham gia quân đội Tiệp Khắc một thời gian ngắn, sau đó lại cùng chung sức vận chuyển các tù nhân Do Thái qua Palestine. Chính bản thân ông đã từng có ý định gia nhập nhà nước Israel. Nhưng số phận đã định đoạt, khiến ông “phải” trở thành thợ may lành nghề nhất Hoa Kỳ.

Maximilian không ngờ ông vẫn còn họ hàng ruột thịt ở Mỹ: anh chị ruột của mẹ ông đã thành đạt, sống êm ấm ở Baltimore và New York. Khi biết đứa cháu trai duy nhất còn sống, họ mau chóng làm thủ tục bảo lãnh cho ông. Năm 1948, dù một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết, ông chính thức xách valy đi tàu vượt đại dương qua Hoa Kỳ.

Thời gian đầu, Maximilian sống cùng gia đình Berman tại Baltimore. Giàu có và nhân hậu, họ đã cưu mang Maximilian trong những ngày đầu nơi xứ lạ. Em họ ông, Frances Berman, cũng là người mua cho ông bộ vest đầu tiên của hãng GGG. Khi mặc nó, Maximilian cảm thấy mình như biến thành một con người khác – điển trai, lịch lãm, đầy tự tin. “Tôi chưa biết nửa chữ tiếng Anh, nhưng bộ vest GGG đã thay lời muốn nói.” Ông đổi tên thành Martin Greenfield, nhanh chóng tìm được một công việc tốt trong xưởng dệt tại Baltimore, nhưng rồi lại dứt áo đến New York để học tiếng Anh. Đây là một quyết định có tính bước ngoặt trong đời Martin.

Martin Greenfield cùng những người nhập cư trẻ tuổi khác

Công việc đầu tiên của Martin tại New York, tình cờ thay, lại chính là tại xưởng gia công những bộ vest GGG. Là một “floor boy,” ông có nhiệm vụ tìm kiếm, phân phối những thứ dụng cụ, vải vóc, đồ đạc lặt vặt trong xưởng và lãnh mức lương 35 đô la mỗi tuần. Toàn bộ quá trình gia công thật là quá sức phức tạp đối với ông, và nếu không nhờ một dãy những bộ vest treo gọn gàng trên giá thì Martin không thể hiểu là mọi người đang làm ra sản phẩm gì. Chỉ sau một tuần, ông tìm đến người quản lý của GGG – Adolph Rosenberg và yêu cầu được hiểu rõ quá trình làm ra những bộ vest, nếu không, ông sẽ nghỉ!

Bên ngoài hãng GGG Clothes

Thay vì đuổi việc cậu “floor boy” táo tợn, Adolph Rosenberg dắt ông đi qua từng bàn may và giải thích cho ông cặn kẽ 108 bước hoàn thành một bộ vest GGG hoàn chỉnh. Mỗi công nhân chỉ tập trung vào một công đoạn, và sự thành thạo của họ là không thể bàn cãi. Lúc đó, Martin thầm hứa sẽ phấn đấu sao cho tinh thông cả 108 bước này. Đối với ông, giỏi xuất sắc chưa đủ, mà phải toàn mỹ 100%. Suốt đời mình, Martin luôn không ngừng học hỏi. Từ nhà thiết kế danh giá nhất cho tới người thợ bình thường nhất, ông đều coi là thầy.

Một trang giới thiệu các mẫu mã mới của GGG Clothes hồi cuối những năm 1940s

Không chỉ học nghề, Martin còn chăm chỉ trau dồi mảng… văn hóa nghệ thuật. Từ giây phút nhìn thấy tượng Nữ thần tự do vẫy gọi, trong ông đã nung nấu một tình yêu cháy bỏng với Hòa Kỳ – đất nước cưu mang ông. Trong một lần đến thăm thủ đô Washington, DC cùng người bạn thân, ông đã lạc bước tới Tòa Quốc Hội. Ông hào hứng bắt chuyện với tất cả những người xung quanh, trong đó có một người đàn ông đứng tuổi, uy nghi. Có nằm mơ Martin cũng không thể ngờ đó chính là thượng nghị sĩ bang Kentucky – Alben Barkley. Alben đã mời Martin cùng người bạn đồng hành đi ăn trưa để hỏi kỹ càng hơn về cuộc sống trong trại tập trung, và họ đã giữ liên lạc nhiều năm sau đó. Số phận thật tình cờ, Alben Barkley cũng là một trong những người có mặt tại trại Buchenwald vào tháng tư năm 1945 với tư cách chủ tịch Hội đồng thẩm định phía Hoa Kỳ, khi chính Martin Greenfield vẫn còn ở đó. Một năm sau bữa trưa cùng Martin Greenfield, Alben Barkley trở thành Phó Tổng thống thứ 35 của Mỹ. Về sau Alben Barkley đã kể lại kỹ càng sự kiện này trong cuốn tự truyện That Reminds Me.

.

Tại GGG, Martin Greenfield thăng tiến một cách nhanh chóng. Để tăng hiệu suất làm việc, ông thuê thợ mộc làm một chiếc hộp đặc biệt chứa vừa khít các dụng cụ may mặc ông thường dùng và đặt nó ngay trong tầm tay với. Khi William P. Goldman, chủ sở hữu GGG đi thị sát công xưởng, chiếc hộp gỗ này đã khiến ông lọt mắt xanh của ngài. Dần dần ông trở thành cánh tay phải của William P. Goldman, và được đối đãi như con trai. Ngay cả khi được mời mọc sát nhập cùng Pierre Cardin và Yves Saint Laurent, ông vẫn một mực trung thành với GGG. Ông cũng là đầu tiên người kết nối GGG với tập khách hàng Hollywood, từ những siêu sao xưa xửa xừa xưa như Frank Sinatra và Eddie Cantor. Năm 1977, chính thức 30 năm sau khi bắt đầu sự nghiệp với chức danh “floor boy,” Martin Greenfield đã mua lại GGG với sự đề nghị của William P. Goldman. Ông đổi tên công ty thành Martin Greenfiled Clothiers và bắt đầu bằng cách thuê 6 người thợ giỏi nhất mà ông biết. Mới đầu Martin Greenfield chỉ có ý định sản xuất tầm 100 bộ vest mỗi tuần. Nhưng về sau yêu cầu ngày càng tăng mạnh – ông trở thành đối tác của Neiman Marcus, Donna Karan, Barneys New York, và Brooks Brothers. Ông cũng “dụ khị” hai cậu con trai thông minh giỏi giang về làm việc cho ông toàn thời gian.

Martin Greenfield và vợ. Ông có hai con trai – Tod và Jay. Cả hai đều trở thành những trợ thủ đắc lực của cha mình trong công việc kinh doanh.

Vào thập niên 70, thành phố New York là một trung tâm công nghiệp dệt may lớn của thế giới với gần 3000 xưởng. Thế nhưng nhu cầu thời trang nhiều-nhanh-rẻ đã dần khiến thị phần Made in USA teo tóp đi nhiều. Ngày nay, 97.5% quần áo tại Mỹ được sản xuất ở một nước… nào đó, trong đó có cả Việt Nam ta. Nhưng Martin Greenfield Clothiers là một ngoại lệ. Ở Martin Greenfield Clothiers, ông chỉ dùng những thứ vật liệu cao cấp nhất như len lông cừu và cashmere Anh với nút áo bằng sừng. Bộ y phục đắt nhất ông từng chế tác là một chiếc Vicuna jacket có giá 40.000 đô la!

Martin Greenfield trong xưởng làm việc

Quy trình sản xuất của ông cũng hầu như không thay đổi sau hàng chục năm, với mọi bước đều làm bằng tay tỉ mỉ. Một chiếc áo vest có ba lớp vải: lớp trong, lớp ngoài, và lớp ở giữa. Một bộ áo vest chất lượng thì lớp giữa đó có thể di chuyển nhẹ nhàng, ôm sát theo cơ thể người mặc một cách linh động. Một bộ áo vest rẻ tiền thì người ta sẽ dùng hồ… dán luôn lớp giữa lại cho khỏi vung vẩy. Mỗi khi trông thấy một chiếc áo vest như vậy ngoài phố, Martin Greenfield thường bước luôn sang bên đường cho khỏi… ngứa mắt.

Tại xưởng Martin Greenfield Clothiers. Một bộ vest tại đây bao gồm 108 công đoạn và mất ít nhất 16 giờ để hoàn thành.Ảnh của Getty Images

Một trong những yếu tố khiến Martin Greenfiled đặc biệt được những người nổi tiếng ưa chuộng là sự tinh tế và thấu hiểu. Khi khách hàng thường phải xuất hiện trên truyền hình như Conan O’Brien và Stone Philips, ông để ý sao cho chất vải không phản chiếu ánh sáng một cách quê kệch. Khi khách hàng là những ngôi sao thể thao danh tiếng như Shaquille O’Neal, Kobe Bryant, hay LeBron James, ông lại cắt áo sao cho họ mặc vest vẫn thoải mái như mặc áo jersey thi đấu. Hãng áo vest của ông hoàn toàn không vung tiền quảng cáo mà chỉ dựa vào truyền miệng, nhưng nhờ lượng khách hàng đông đảo toàn giới thượng lưu mà công việc kinh doanh của ông trở nên ngày càng phát đạt.Ngành công nghiệp giải trí Mỹ đã góp một phần không nhỏ làm nên tiếng tăm của Martin Greenfield. Ông đã phục vụ từ những siêu sao đời cũ như Paul Newman và Frank Sinatra, cho đến những Tobey Maguire và Johnny Depp của thời hiện đại. Ông đảm nhiệm toàn bộ tủ quần áo của các nhân vật nam chính trong bộ phim The Great Gatsby năm 2013. Bởi nhân vật Tom Buchanan là một cựu sinh viên đại học Yale, ông thêu hình đầu lâu xương sọ trong lớp lót để ám chỉ tới hội kín Skull and Bones (Bush cha và Bush con đều là thành viên của hội này). Hình ảnh ấy chỉ chớp trên màn hình có một giây đồng hồ nhưng thật đáng đồng tiền bát gạo – The Great Gatsby vừa thành công về doanh thu vừa ẵm trọn giải Oscar về Thiết kế trang phục.

Leonardo DiCaprio trong bộ vest trắng nổi tiếng của phim The Great Gatsby

Martin Greenfield còn đảm nhiệm toàn bộ trang phục cho series Boardwalk Empire của Martin Scorsese, rồi lại cộng tác với vị đạo diễn lừng danh này trong The Wolf of Wall Street. Ngôi sao Steve Buscemi thú nhận “Lúc duy nhất tôi thấy mình đẹp trai là khi mặc vest của Martin Greenfield.” Bộ vest cuối cùng mà Michael Jackson mặc trước khi qua đời cũng là tác phẩm của ông.

Martin Greenfield đã góp phần tạo nên những bộ trang phục đẹp cho vô số tác phẩm điện ảnh nổi tiếng, nhưng hai trong số đó vẫn khiến ông càu nhàu mãi không thôi. Thứ nhất là tác phẩm đoạt giải Oscar của Ben Affleck – Argo. Thứ hai là bộ phim Scent of a woman – bộ phim mang đến cho Al Pacino giải Oscar nam chính xuất sắc nhất. Trong Argo, những bộ trang phục của Ben Affleck phải làm theo đúng thời trang thập niên 70 nên trong mắt Martin Greenfield là… lạc mốt. Còn trong Scent of a woman, để đúng với hoàn cảnh nhân vật là sĩ quan quân đội già nua khiếm thị, ông buộc phải may những chiếc áo cũ kĩ và thủng lỗ chỗ. Ông chỉ được trổ tài thật sự trong màn nhảy tango nổi tiếng của bộ phim. Sau khi đóng máy, Al Pacino đã gặp Martin và bảo: “Nhờ bộ vest của ông mà tôi nhảy như chưa từng được nhảy!”

Al Pacino lịch lãm trong Scent of a woman

Dài dòng mãi rồi cũng tới phần… Tổng thống, thưa các bạn. Đến đây lại phải nhắc lại một câu nói khá đúng và … buồn cười, mặc dù có phần oan uổng cho một số chính trị gia xinh trai, đẹp gái kiểu Trudeau hay Yulia Tymoshenko: “Politics is just show business for ugly people.” (Chính trị chẳng qua chỉ là nghề trình diễn của những kẻ xấu xí”). Đối với Martin Greenfield mà nói thì khách hàng nào cũng là thượng đế nên xấu đẹp gì cũng không quá quan trọng! Kể cả siêu tài tử Leonardo DiCaprio trong mắt ông cũng chỉ là anh chàng vai thấp vai cao mà thôi. Nhưng vào năm 1949, ông có một khách hàng vô cùng đặc biệt. Người ấy chính là tướng Eisenhower, khi ấy chưa phải Tổng thống (President) của nước Hoa Kỳ, mà mới chỉ là Hiệu trưởng (President) của đại học Columbia. Đối với ông, cảm giác được tự tay may áo cho người anh hùng giải cứu mình thật không có gì có thể sánh bằng. Dù mắt ông rành rành đọc các số đo của tướng Eisenhower – cao 1.78m, nặng 78kg, trong tim ông đại tướng vẫn vĩnh viễn là một người khổng lồ. Martin Greenfield không ngừng may những bộ vest đẹp tuyệt cho Eisenhower kể cả sau khi ông chính thức trở thành Tổng thống. Và mỗi khi muốn “tư vấn chính trị” cho Tổng thống, Martin Greenfield lại nhét vào túi áo ngài một vài bức thư ngắn.

Martin Greenfield tại công ty của ông ở Brooklyn. Mỗi bộ vest, ông cho biết, mất khoảng 6 tuần và từ 80 tới 85 thợ may để hoàn tất. Ảnh của Marilynn K. Yee/The New York Times

Sau Eisenhower, Martin Greenfield tiếp tục may vest cho Tổng thống Gerald Ford. Câu chuyện của Martin Greenfield và Tổng thống Gerald Ford lại có một chi tiết tương đối thú vị. Lo ngại về nguy cơ ám sát Tổng thống, cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ đã chế tác ra hai tấm chống đạn bằng chất liệu đặc biệt. Nhiệm vụ của Martin Greenfield là may hai bộ vest giống hệt nhau để Tổng thống có thể nhanh chóng thay đổi trong bí mật – chúng phải có các túi kín đáo giữ tấm chống đạn sao cho mắt thường không thể nhìn thấy, lại cần tách rời dễ dàng lúc gặp hiểm nguy. Martin Greenfield đã chế tạo những bộ vest đúng như yêu cầu với các miếng dán Velcro được giấu kín. Chỉ một năm sau, tổng thống Ford bị ám sát hai lần nhưng đều may mắn không bị dính đạn.

Đã may vest cho hai vị Tổng thống nhưng phải đến tận thời Bill Clinton, Martin Greenfield mới chính thức ghé Nhà Trắng lần đầu tiên. Khác với Eisenhower và Gerald Ford, Bill Clinton đích thân mời ông tới thăm “nhà mới” của mình với nguyện vọng được ông dựng cho một tủ quần áo tử tế.

Martin Greenfield bắt tay Tổng thống Bill Clinton

Việc đầu tiên Martin Greenfield đã làm khi được mời vào buồng ngủ riêng của Tổng thống là gì? Thò đầu vào tủ quần áo (đang có) của Tổng thống xem ngài ăn mặc thế nào. Và Martin đã bị …. thất vọng tràn trề. Khi mới vào Nhà Trắng, Bill Clinton chỉ có vài chiếc áo khoác da, vài bộ vest rẻ tiền, một chiếc áo khoác xấu xí đến mức Martin Greenfield muốn vứt nó ngay đi, và rất rất nhiều bộ quần áo thể thao bằng nỉ. Không những Martin Greenfield mất nửa tiếng để đo 27 thông số trên cơ thể Tổng thống, ông còn phải dạy Bill Clinton từ đầu cách thắt nơ bướm, mặc áo đuôi tôm, và chỉnh độ dài của dây đeo quần. Vốn tính hài hước, Bill Clinton không quên trêu chọc Martin Greenfield về những lá thư ông từng nhét vào túi của Eisenhower. Cuối buổi gặp gỡ, Bill còn đưa cho ông số fax để “nếu cần nói gì thì cứ nhắn thẳng.” Trong 8 năm làm Tổng thống, Bill Clinton đã mặc tổng cộng gần 30 bộ vest do Martin Greenfield chế tác.

Tổng thống Obama cũng là một khách hàng thân thiết của Martin Greenfield. Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngài Tổng thống bận rộn ra lệnh cho nhân viên mang một bộ vest đang mặc dở đến cho ông Martin Greenfield … copy. Cảm thấy bị tổn thương ghê gớm, ông Martin Greenfield chỉ buông một câu: “Martin Greenfield không bao giờ copy đồ của ai, chỉ có người ta copy đồ của Martin Greenfield mà thôi.” Không biết vì ấn tượng với ông thợ may Brooklyn thẳng tính hay vì … thiếu quần áo mặc mà Obama đích thân mời ông Martin Greenfield trở lại Nhà Trắng để đo người cho chuẩn.

Theo lời kể của Martin Greenfield, Obama có chiều cao và dáng dấp đẹp chẳng kém ma-nơ-canh mặc vest, bởi vậy may đồ cho Tổng thống thật là vui thích. Ông còn chế tạo một loại chỉ đặc biệt ba màu đỏ – trắng – lam để thêu lớp lót cho những chiếc áo của Obama. Tổng thống đặc biệt yêu thích những bộ vest do Martin Greenfield và chỉ mặc đồ của ông từ năm 2010 trở đi. Khi Malia và Sasha Obama chê quần xếp ly của bố thật kém “cool,” ông Martin Greenfield cũng vui lòng làm thêm những chiếc quần tây kiểu mới để vừa lòng hai cô bé.

Tổng thống Obama trong một bộ vest của Martin may.

Ngoài bốn vị Tổng thống trên, còn hai vị Tổng thống khác có dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp của Martin Greenfield. Người thứ nhất, George W. Bush, đã dự kiến gặp ông để đo đạc đúng ngày 11. 9. 2001, song những chuyến bay định mệnh đã làm phá sản kế hoạch của họ. Người còn lại, Donald J. Trump, là một khách hàng thân thiết của Martin Greenfield từ rất lâu trước khi trở thành Tổng thống. Trong cuốn sách Measure of a Man, ông ca tụng Donald J. Trump là một doanh nhân vĩ đại, một người bạn tuyệt vời, và một người cha tốt. Có lẽ thắng lợi tháng 11 vừa rồi của Donald J. Trump cũng là một bất ngờ không nhỏ với Martin Greenfield. Khách hàng của Martin Greenfield còn bao gồm nhiều yếu nhân khác như Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, Thị trưởng New York Michael Bloomberg, và Phó Tổng thống Joe Biden.

Martin Greenfield kiểm tra công việc tại xưởng

Thế nhưng, đối với Martin Greenfield, thứ quý giá nhất không phải danh vọng và tiền bạc, hay những lúc tay bắt mặt mừng cùng những người nổi tiếng…

“Nhiều khi vào buổi sáng sớm hay trước khi tắt đèn công xưởng về đêm, tôi nhìn qua sàn gỗ kêu cọt kẹt, xuyên qua những cuộn vải, những cuộn chỉ, để kín đáo ngắm các con trai tôi. Tôi sống vì những giây phút đó. Chúng gợi nhớ cho tôi những lần tôi nhìn, tuyệt vọng, qua căn phòng của Đức Quốc xã để kiếm tìm hình bóng cha mình. Và bây giờ biết rằng các con trai tôi sẽ không khi nào phải sống lại cảm giác điên cuồng ấy, và luôn có các con ở bên, chứng kiến các con trở thành người chồng, người cha, thành những doanh nhân thành đạt. Và tận hưởng mỗi ngày bất chấp những xô bồ của đời sống. Đó là tất cả những gì tôi có.”

Martin Greenfield cùng hai con trai chụp ảnh với tổng thống Obama. Hai người con cùng điều hành công ty Martin Greenfield Clothiers. 


*

No comments:

Post a Comment